Trong những năm gần đây, ngành Công nghiệp đã có rất nhiều nỗ lực trong việc nâng cao trình độ công nghệ chung của toàn Ngành. Tuy vậy, theo nhận xét của các chuyên gia, trình độ công nghệ của Ngành vẫn ở mức trung bình thấp bởi nhiều nguyên nhân. Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập tới trình độ công nghệ của các ngành công nghiệp nặng, được thực hiện dựa theo phương pháp ATLAS công nghệ đối với 4 yếu tố: Thành phần kỹ thuật (T); Thành phần con người (H); Thành phần thông tin (I); Thành phần tổ chức (O).
Thành phần kỹ thuật (T)
Nhìn một cách tổng thể, các ngành công nghiệp nặng đều có thành phần kỹ thuật tương đối khá, bởi thời gian qua đã tập trung vào đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất, thay thế những công nghệ sản xuất cũ để theo kịp với trình độ công nghệ của thế giới, trong đó ngành Điện được đánh giá cao về các trang thiết bị kỹ thuật đầu tư thời gian gần đây (T=0,73 theo thang điểm là 1,0). Không thể phủ nhận điều này, bởi hàng năm, ngành Điện đã đầu tư hàng triệu USD vào các thiết bị kỹ thuật, phục vụ công tác sản xuất và truyền tải điện. Các công trình đầu tư ngày càng qui mô và hiện đại hơn với các trang thiết bị của các hãng nổi tiếng trên thế giới.
Tiếp đến là ngành Than được đánh giá cao với sự đầu tư khá của các mỏ than lộ thiên. Các mỏ than hầm lò và các nhà máy sàng tuyển có mức đầu tư trang thiết bị hiện đại kém hơn. Điều này cũng dễ hiểu vì trong những năm qua, sản lượng của các mỏ than lộ thiên vẫn chiếm tỷ trọng lớn, điều kiện địa chất kỹ thuật trong các mỏ than hầm lò rất phức tạp, chưa cho phép đầu tư công nghệ kỹ thuật để nâng cao sản lượng. Hơn thế nữa, việc đầu tư vào các mỏ than hầm lò đòi hỏi phải có thời gian, hiệu quả sản xuất từ các mỏ than hầm lò hiện còn ở mức thấp so với các mỏ than lộ thiên.
Ngành Cơ khí với điểm yếu thường làm “trọn gói” tất cả các công đoạn, nên đầu tư bị dàn trải, hiệu quả thấp, sản phẩm rất khó có khả năng cạnh tranh. Thời gian qua ngành đã tập trung phát triển hiệu quả và bền vững một số chuyên ngành, sản phẩm cơ khí trọng điểm, từng bước đưa ngành phát triển. Tuy vậy, thành phần kỹ thuật của ngành Cơ khí vẫn chỉ được xếp dưới mức trung bình, chưa đạt được mức 0,5. Đối với ngành Thép, điều tra cho thấy, số các nhà máy cán thép hiện đại chỉ chiếm 38,7% tổng công suất thiết kế; các nhà máy có công nghệ ở mức trung bình chiếm cao nhất, tới 48,9% tổng công suất thiết kế; còn lại là các nhà máy có công nghệ lạc hậu chiếm 12,4% tổng công suất thiết kế. Chi phí sản xuất cho 1 tấn thép ở Việt Nam cao hơn so với thế giới, thêm nữa, phần lớn các nhà máy cũng chỉ sản xuất đạt 60% công suất thiết kế nên hiệu quả kinh tế không cao. Riêng ngành Hóa chất, trong những năm qua cũng có mức đầu tư cao, nhưng đánh giá chung vẫn chưa đồng bộ, trình độ tự động hóa thấp, nhất là trong lĩnh vực sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật, tuy chưa có điều tra về trình độ công nghệ, nhưng vẫn dễ nhận thấy, các đầu tư chưa đáp ứng so với yêu cầu.
Thành phần con người (H)
Yếu tố con người của các ngành Công nghiệp nặng được đánh giá ở mức trung bình. Các ngành đang chịu chung một thực tế là bậc thợ không đi đôi với tay nghề. Lực lượng công nhân vận hành máy vạn năng có tay nghề cao chiếm hơn 50%, nhưng thực tế, đội ngũ này còn xa lạ với kỹ năng công nghiệp. Kiến thức có được chủ yếu bằng kinh nghiệm, khả năng đào tạo nâng cao trình độ tiếp cận thiết bị hiện đại là rất hạn chế. Hiện rất thiếu lao động có tay nghề cao như thợ cả, kỹ sư trưởng… Do cơ chế đãi ngộ chưa xứng đáng, nên các doanh nghiệp trong nước ít thu hút và giữ được các lao động có tay nghề tốt. Khả năng tự đào tạo của các doanh nghiệp rất yếu nên không nâng cao được chất lượng lao động.
Có lợi thế hơn là các ngành có nhiều liên doanh liên kết với các công ty nước ngoài như cơ khí, thép, điện, nên học được ở các đối tác phương pháp quản lý hiện đại và cách vận hành các dây chuyền hiện đại. Nhưng đa phần trình độ chuyên môn của đội ngũ kỹ thuật còn nhiều hạn chế, nhiều cán bộ không cập nhật được những tiến bộ kỹ thuật mới trong ngành nên còn hạn chế trong việc cải tiến công nghệ cũng như trong nghiên cứu phát triển công nghệ mới. Trình độ tin học, ngoại ngữ còn yếu nên hạn chế việc tiếp thu các thông tin về đổi mới công nghệ trên thế giới. Độ tuổi của CBCNVC, nhất là cán bộ kỹ thuật tương đối cao. Về lĩnh vực này, ngành than được đánh giá cao với sự nỗ lực trong việc đầu tư nâng cao trình độ ngoại ngữ cho tất cả CBCNV trong Tập đoàn. Hàng năm, ngành đầu tư hàng trăm triệu đồng để CBCNV tập trung cho học ngoại ngữ. Tập đoàn còn có qui chế bắt buộc về việc học ngoại ngữ và qui định cấp nào phải làm việc trực tiếp với đối tác nước ngoài không thông qua phiên dịch.
Trong cạnh tranh lao động hiện nay, lượng cán bộ kỹ thuật có tay nghề cao và tuổi trẻ thường tập trung ở những doanh nghiệp lớn, các công ty nước ngoài, nơi có thu nhập cao và có môi trường làm việc hiện đại, các doanh nghiệp nhỏ, thu nhập thấp thường rất thiếu cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề. Trong những năm tới, tình hình này cũng rất khó được cải thiện vì nguồn nhân lực được đào tạo trong các trường của nước ta còn hạn chế mà nhu cầu lại rất cao.
Trình độ học vấn của đội ngũ công nhân của các đơn vị đa phần ở mức rất thấp, chỉ ở trình độ sơ cấp, trình độ bậc thợ thuộc loại thấp và rất thấp còn khá cao. Điều này phản ánh tính không chuyên nghiệp của đội ngũ công nhân và có thể ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Tính kỷ luật và tính hợp tác trong đội ngũ công nhân lao động trong ngành còn kém, ý thức và tác phong lao động của người lao động không bài bản và chặt chẽ như các công ty nước ngoài. Đội ngũ cán bộ quản lý hầu như chưa được đào tạo một cách có hệ thống về lĩnh vực quản lý, nên trong quản lý doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn.
Thành phần thông tin (I)
Qua nghiên cứu, trình độ thông tin của các doanh nghiệp được đánh giá chỉ nằm ở giai đoạn làm quen, thu thập và phân loại, các giai đoạn cao hơn như kết nhập, phân tích, tổng hợp để đề xuất chiến lược chưa triển khai được, lượng thông tin nghèo, khai thác trong nước là chủ yếu. Điểm nổi bật đối với phần thông tin có thể thấy là hầu hết các đơn vị đều có mức độ sở hữu và sử dụng các thông tin phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức kém, thậm chí rất kém, còn lại là ở mức trung bình. Việc thiếu thông tin tất yếu sẽ dẫn đến những khó khăn trong việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về cơ sở vật chất cho phần thông tin, hầu hết các ngành, các đơn vị đều có mức độ sử dụng máy tính thuộc vào loại cao và khá cao, nhưng mới chỉ tập trung cho công việc văn phòng, không sử dụng máy tính trong thiết kế và nghiên cứu, nên đã hạn chế rất nhiều khả năng phát minh, sáng chế các sản phẩm mới. Còn việc sử dụng máy tính để điều khiển các quá trình công nghệ chỉ áp dụng ở một số đơn vị liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài, hoặc các doanh nghiệp mới đầu tư. Mặc dù các đơn vị có sử dụng mạng nội bộ, truy cập Internet, nhưng hiệu quả rất thấp. Các nguồn thông tin về công nghệ, khoa học trong ngành còn rất hạn chế. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều ngành kỹ thuật ở nước ta.
No comments:
Post a Comment
Gửi đánh giá và bình luận của bạn về vấn đề được đề cập trong bài viết vào khung dưới. Bạn chưa có tài khoản các mạng được liệt kê ở "Comment as:" hãy chọn hồ sơ: "Anonymous" để gửi nhận xét.