Friday, January 8, 2010

30% cơ sở công nghiệp sản xuất sạch

Tỉnh Thái Nguyên có gần 2.000 doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: luyện kim, khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, cơ khí, động cơ diezel...





Sự hoạt động của các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đồng thời cũng đặt Thái Nguyên trước những thách thức lớn về vấn đề ô nhiễm môi trường.
Với mục tiêu đến năm 2015 có 50% các doanh nghiệp công nghiệp trên cả nước sẽ được phổ biến sản xuất sạch hơn, 25% sẽ áp dụng tại cơ sở của mình, từ năm 2006, Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI) đã lựa chọn 5 tỉnh thực hiện chương trình SXSH, trong đó có Thái Nguyên. Đến nay, Thái Nguyên đã có 12 đơn vị thực hiện mô hình trình diễn SXSH khá hiệu quả. Điển hình là Công ty TNHH nhà nước một thành viên Kim loại mầu, Nhà máy xi măng Lưu Xá, Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng, Công ty CP cơ điện luyện kim Thái Nguyên... Lợi ích cơ bản của việc áp dụng SXSH trong quá trình sản xuất là cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường. Kết quả từ các mô hình này cho thấy, những đơn vị tham gia thực hiện các giải pháp SXSH không chỉ góp phần làm giảm tác động đến môi trường xung quanh, làm sạch môi trường làm việc cho người lao động mà còn góp phần tiết kiệm chi phí nhiên liệu, nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hoá.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 có từ 25% đến 30% cơ sở sản xuất công nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn, đến năm 2013, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện giảm 3-5% nguyên, nhiên liệu đầu vào, giảm 5-10% tổng lượng phát thải tính trên đơn vị sản phẩm, giảm chất thải trên 5% trong một số ngành công nghiệp... , UBND tỉnh Thái Nguyên đã đặt ra nhiệm vụ phổ biến rộng rãi tới các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất đồng thời hạn chế mức độ gây ô nhiễm của các cơ sở đến môi trường cũng như đảm bảo điều kiện làm việc cho công nhân và môi trường sống cho cộng đồng. Trước mắt giao cho Sở Công Thương Thái Nguyên xây dựng mục tiêu cụ thể cho chương trình SXSH, đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức về SXSH; hoàn thiện tổ chức, tăng cường các cơ chế chính sách hỗ trợ và hoạt động quản lý; tổ chức hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường đầu tư và hỗ trợ tài chính.

Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và qui định tại địa phương để thúc đẩy SXSH, bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm, Sở Công Thương còn xây dựng đầu mối thực hiện giám sát ở các cấp; xây dựng chương trình hoạt động cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ chức điều tra trình độ công nghệ, tác động của các cơ sở sản xuất công nghiệp, hiện trạng môi trường, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ sạch, triển khai các giải pháp kỹ thuật công nghệ sạch nhằm hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường. Cụ thể: Xây dựng các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật cho các ngành chế biến titan, sản xuất tấm lợp amiăng… Từng bước tổ chức đánh giá trình độ công nghệ, hiện trạng môi trường, an toàn, sức khoẻ của các cơ sở sản xuất công nghiệp luyện kim, khai thác khoáng sản trên địa bàn, qua đó mở rộng cho các ngành khác. Phối hợp kiểm tra đánh giá định kỳ các cơ sở đã áp dụng SXSH.

Hướng dẫn các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật SXSH cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ chức tham quan học tập các mô hình áp dụng SXSH trong và ngoài tỉnh. Tổ chức các hội nghị, hội thảo giới thiệu các công nghệ sạch, SXSH tại địa phương, đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho các cán bộ thực hiện… Phấn đấu đến năm 2010 sẽ triển khai nhân rộng từ 10-15 mô hình trình diễn SXSH.

Theo baocongthuong

No comments:

Post a Comment

Gửi đánh giá và bình luận của bạn về vấn đề được đề cập trong bài viết vào khung dưới. Bạn chưa có tài khoản các mạng được liệt kê ở "Comment as:" hãy chọn hồ sơ: "Anonymous" để gửi nhận xét.