Friday, January 8, 2010

Máy móc 'made in Vietnam' khởi sắc

Với lợi thế về giá cả, chế độ hậu mãi tốt nên một số sản phẩm thiết bị máy móc do các đơn vị trong nước chế tạo đã dần thay thế hàng nhập ngoại. Thậm chí, nhiều đơn vị còn xuất khẩu được hàng sang các nước Ấn Độ, Hàn Quốc…



Sau một thời gian sử dụng các máy móc nhập khẩu từ nước ngoài, nhiều đơn vị đã chuyển sang dùng hàng Việt Nam. Đặc biệt, có những sản phẩm của Việt Nam đã thay thế được hàng công nghệ cao của nước ngoài.

Dần thay thế hàng ngoại

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã quyết định dùng ngân sách của bệnh viện để trang bị hệ thống thiết bị tự động khử trùng dụng cụ y tế Autosterlab. Đây là thiết bị do một công ty trong nước chế tạo.

Trước đó, bệnh viện đã được Nhà nước trang bị một hệ thống khử trùng dụng cụ y tế của Mỹ với giá hơn ba tỷ đồng. Tuy nhiên, mỗi lần hệ thống hoạt động, bệnh viện phải tốn thêm 300.000 đồng tiền mua giấy bọc dụng cụ.

Thế nhưng, từ khi trang bị hệ thống khử trùng Autosterlab, bệnh viện không còn phải lo tốn kém chi vận hành máy móc. Trong khi đó, giá của hệ thống này lại chỉ bằng 1/4 giá máy nhập ngoại. Ngoài ra, máy còn giúp cho nhân viên bệnh viện tiết kiệm được công sức trong khâu khử trùng dụng cụ, vốn là việc rất vất vả trước đây.




Hệ thống thiết bị tự động khử trùng dụng cụ y tế Autosterlab giúp tránh tái nhiễm khuẩn cho dụng cụ y tế. Ảnh: T. Vân



Từ thập niên 1980, nhóm nghiên cứu của ông Dương Minh Trí, Phòng Điện tử ứng dụng, Viện Vật lý TP HCM đã bắt tay vào nghiên cứu máy đo độ ẩm, đo độ mặn, độ pH…

Đến năm 2000, khi thấy thị trường có nhu cầu cao về các thiết bị này, nhóm nghiên cứu quyết định bán sản phẩm ra bên ngoài. Những ngày đầu đưa máy ra thị trường, khách hàng không hề ngó ngàng đến vì mẫu mã không tinh xảo như hàng nhập ngoại.

Không hề nản lòng, nhóm nghiên cứu tiếp tục duy trì phát triển sản phẩm. Đến nay, nhiều đơn vị uy tín trong nước đã thay thế các sản phẩm nhập từ Mỹ, Nhật bằng máy đo của Viện Vật lý.

Cụ thể, Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 đã thay các máy đo của Nhật bằng máy đo do viện sản xuất. Các đơn vị như: Công ty Vinamilk, Công ty Bia Bến Thành, Xí nghiệp Nước chấm Nam Dương, Công ty cổ phần Dược DANAPHA… cũng chọn máy của viện thay vì máy của Nhật, Mỹ như trước đây.

Không chỉ chiếm lĩnh thị trường, nhiều đơn vị còn xuất khẩu được hàng đi nước ngoài như Công ty TNHH Thiết bị thép Việt. Ông Kiều Huỳnh Sơn, Tổng giám đốc Công ty, cho biết, hiện máy cán tôn của công ty ngoài việc phục vụ cho các nhà máy cán tôn trong nước thì đã bán được ra Hàn Quốc, Ấn Độ… Công ty còn làm nhiều mặt hàng theo đơn đặt hàng từ nước ngoài.

Gian nan tiếp thị

Tuy dần chiếm được thị trường trong nước nhưng theo chính những chủ nhân của các máy móc, thiết bị trên, con đường để “người Việt dùng hàng Việt”, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ, vẫn còn lắm chông gai.

Trước tiên, phải kể đến tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng. Ông Phan Mạnh Hùng, Phó giám đốc Công ty Khoa học công nghệ P.E – nhà sản xuất thiết bị Autosterlab bộc bạch: “Dù máy do chúng tôi sản xuất có nhiều ưu điểm và phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam, nhưng chúng tôi vẫn chưa thể bán được nhiều máy cho các bệnh viện”.

“Có lần, chúng tôi đến một bệnh viện phụ sản lớn nhất thành phố giới thiệu sản phẩm, đáp ứng mọi nhu cầu của BV. Phía BV cũng rất thích hệ thống của chúng tôi nhưng cuối cùng đành từ chối vì… chưa biết bố trí lại công việc gì cho những người dư ra do sử dụng máy móc thay thế. Nực cười hơn, nhiều nơi đưa ra yêu sách kỹ thuật, chúng tôi cũng đã khắc phục đúng theo yêu cầu nhưng cuối cùng BV vẫn chọn mua máy nhập ngoại”, ông Hùng giãi bày.

Để máy đo của Việt Nam thay thế được hàng ngoại, ông Dương Minh Trí cho biết, phải ... nâng giá bán máy lên nhiều lần mới lấy được lòng tin khách hàng. Một chiếc máy chỉ thị độ ẩm của gỗ có giá bán thực trước đây chưa đến một triệu đồng. Nhưng do khách hàng có tâm lý hàng rẻ, mẫu mã không bắt mắt là hàng kém chất lượng nên suốt một thời gian dài, máy chỉ bán cầm chừng. Chỉ đến khi nhà sản xuất thay vỏ hộp mới, nâng giá bán cao hơn thì máy mới... bán chạy! Trong lần tham gia hội chợ Techmart ASEAN 3+ vừa qua, gian hàng trưng bày các thiết bị đo của viện luôn chật người tham quan và hàng trưng bày đã được bán sạch.



“Nên nghiên cứu những sản phẩm kỹ thuật đơn giản và làm tốt để phục vụ nhu cầu thị trường. Đến lúc nào đó, ta sẽ chế tạo những sản phẩm cao cấp hơn”- ông Dương Minh Trí, Phòng Điện tử ứng dụng, Viện Vật lý TP HCM.


Theo baodatviet

No comments:

Post a Comment

Gửi đánh giá và bình luận của bạn về vấn đề được đề cập trong bài viết vào khung dưới. Bạn chưa có tài khoản các mạng được liệt kê ở "Comment as:" hãy chọn hồ sơ: "Anonymous" để gửi nhận xét.