Friday, January 8, 2010

Máy khoan 4 lỗ điều khiển bằng PLC-Khí nén

Mỗi năm, thầy trò Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng cho ra đời hàng chục mô hình học cụ tự chế. Theo xác định của trường, việc thiết kế, chế tạo mô hình học cụ là một trong những bước quan trọng để sinh viên, học sinh gắn liền với thực tế sản xuất và nâng cao nghiệp vụ cho chính giảng viên.


Mô hình học cụ “Máy khoan 4 lỗ điều khiển bằng PLC - khí nén” của giảng viên Nguyễn Thanh Phước, Trưởng bộ môn Cơ điện tử, khoa Cơ khí, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng là một trong những sản phẩm thiết bị dạy học tự chế đáng chú ý của trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng mới đây. Kỹ sư Nguyễn Thanh Phước cho biết, đây là “sản phẩm đầu tay đúng nghĩa” của ông.

KS Nguyễn Thanh Phước về công tác tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng năm 2002. Vừa về là ông bắt tay vào thực hiện ngay việc “thí điểm” tự mày mò nghiên cứu, chế tạo các mô hình học. “Hồi đó, tôi cùng anh Bình đồng nghiệp cùng khoa, cùng làm và cùng hướng dẫn học sinh làm mô hình học cụ. Sản phẩm đầu tay là Dây chuyền tự động rót nước vào chai. Cho đến nay sản phẩm đầu tay này đã có thêm nhiều cải tiến kỹ thuật và vẫn được dùng để phục vụ cho công tác giảng dạy”.

Tiếp sau dây chuyền tự động rót nước vào chai, KS Phước lại bắt tay vào làm Máy khoan 4 lỗ điều khiển bằng PLC - khí nén. Sản phẩm này chỉ thực hiện vẻn vẹn trong 6 tuần. Ban đầu máy khoan này chỉ có 2 lỗ và được gia công bằng gỗ, sau đó được nâng cấp lên thành máy khoan 4 lỗ. Theo KS Nguyễn Thanh Phước, tất cả các chi tiết, vật liệu và thiết kế của máy khoan đều do các sinh viên dưới sự hướng dẫn của ông thực hiện. Khó nhất của việc tạo ra mô hình chạy tốt là phải tính toán kỹ lưỡng cả về thiết kế, chế tạo và viết lập trình cho mô hình. “Việc kết hợp giữa khí nén với bộ lập trình điều khiển PLC đòi hỏi học sinh, sinh viên phải nắm vững lý thuyết của các môn học này và biết kết hợp nhuần nhuyễn chúng thì mô hình mới có thể hoạt động như sản phẩm thật được”.

Không chỉ chú trọng vào chất lượng bên trong mà KS Phước cũng không quên bắt buộc sinh viên phải lưu tâm đến cả hình dáng bên ngoài của thiết bị. “Kiểu dáng, thiết kế bên ngoài cũng rất quan trọng. Thiết bị dù có tốt đến mấy, nhưng kiểu dáng bên ngoài khó coi thì cũng khó lòng mà bán được. Do vậy “bộ mặt” của máy khoan 4 lỗ cũng là một trong những tiêu chí yêu cầu “chất lượng cao” - KS Phước nói. Các sinh viên và giảng viên hướng dẫn thực hiện phải cùng tìm tòi giải pháp đề “làm đẹp” cho máy. Kiểu dáng, chọn vật liệu, màu sơn… phù hợp cũng phải được tính toán đến nơi đến chốn.

Hiện nay, mô hình “Máy khoan 4 lỗ điều khiển bằng PLC - khí nén” đang được đưa vào giảng dạy cho sinh viên tại khoa cơ khí của Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng. Mô hình này có thể chạy như máy khoan thật. Chỉ cần bấm nút điều khiển bên cạnh là máy có thể khoan đều các vật dụng muốn khoan và sắp xếp chúng lại một cách “công nghiệp”. KS Nguyễn Thanh Phước cho biết: “Về cơ bản, mô hình có đầy đủ tính năng của một máy khoan thực thụ, với đầy đủ các bộ phận và chức năng cần thiết”. Máy khoan 4 lỗ đã đoạt giải thưởng sáng tạo trong cuộc thi Mô hình học cụ năm 2007. Kỹ sư Nguyễn Thanh Phước cho hay, sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thêm một số tính năng kỹ thuật cho máy khoan 4 lỗ như ứng dụng được vi điều khiển, chạy với thời gian ngắn nhất.
Theo Neptech.com.vn

No comments:

Post a Comment

Gửi đánh giá và bình luận của bạn về vấn đề được đề cập trong bài viết vào khung dưới. Bạn chưa có tài khoản các mạng được liệt kê ở "Comment as:" hãy chọn hồ sơ: "Anonymous" để gửi nhận xét.